Đêm ngợp mùi khê nồng chát chúa từ cánh đồng hắt lên. Chập tối, hai tía con ra mỏm mương ngồi canh nước, cái gầu còn vứt chỏng chơ ở đó, đất nẻ bong lên từng mảng lớn nhỏ. Phía chân trời xa tít âm thầm kia như đang chọc tức người dưới này, dăm ba ánh chớp lóe lên rồi tắt lịm, nhưng tuyệt không thấy gió lạnh. Ở quê bao năm, Út biết khi có gió gai người thì sau đó mới có mưa. Út giục tía về ăn cơm, đợi hoài mắt cũng chỉ đỏ thêm, môi khô bợt vì nắng nóng, dân miền này cũng không khác chi mấy thửa ruộng đang trông mưa.
Tác giả: Cao Nguyệt Nguyên
Giọng đọc: Vân An
Lời bình: Nhà văn Phong Điệp
Minh họa: Họa sĩ Tuyết Nhung
Thời lượng: 19p43g
Tên rượu Pú không nhớ, nhưng vị rượu thì Pú nhớ. Nó rất nặng, rất đậm đà, nhưng lại êm. Trong lúc ngây ngất với thứ men mới lạ và sang trọng ấy, Pú trộm thấy mắt ông chủ Kha nhìn vợ mình rất khác. Không phải cái nhìn trần trụi thèm muốn của mấy thằng cửu vạn xa vợ. Không phải cái nhìn dò xét, cân đong của lão Lìn già đã hết tuổi ái ân. Càng không phải là cái nhìn ăn sống nuốt tươi của gã kỹ sư phân kim trên nhà máy quặng, bạn của Kha. Pú không biết diễn tả thế nào về cái nhìn ấy. Chỉ biết nó êm ái lắm, dễ làm người ta say lắm, hệt như thứ rượu trong cái chai thủy tinh đẹp đẽ kia mà Pú đã trót uống rồi.
Tác giả: Tống Ngọc Hân
Giọng đọc: Lâm Ngạn
Lời bình: Nhà văn Võ Thị Xuân Hà
Minh họa: Họa sĩ Minh Minh
Thời lượng: 26p29g
Một sáng ngày áp tết tôi cùng mẹ đi phiên chợ cuối năm bán những quả cam thờ. Thời gian trôi trong sự tiếc nuối vô ngần. Nửa chiều nếp được vò sạch. Ba cùng cậu trước lúc gói bánh thì ngồi với nhau uống bát nước chè đặc. Chè thiệt tươi, già, om vào đầu giờ chiều, lúc cậu đến ba mới giở những chiếc bì tải khỏi thúng trấu nhấc cái ấm đất xỉn mầu, nước rót ra xanh biếc. Nội ngồi ngoài hiên. Trời không rét vẫn mặc hàng chục chiếc áo. Sáng mồng Một ba bưng cái khay trên đó đựng chai rượu nếp nút lá chuối, hai trái cau một ngọn trầu vô nhà cậu đạp đất. Theo ba sẽ được mừng tuổi, mừng đến nhảy tưng lên. Một nghìn đồng mua mấy cái bong bóng, thổi đến hụt hơi, miệng đỏ loét mầu.
Tác giả: Nhụy Nguyên
Giọng đọc: Ánh Nguyệt
Lời bình: Nhà thơ Hữu Việt
Minh họa: Họa sĩ Lê Hà
Thời lượng: 19p31g
Nước mắt mẹ lúc nào cũng được giấu trong ống tay áo cũ kỹ. Mẹ khóc nhiều nhất mỗi khi cha uống say sau cuộc hội hè giỗ chạp gì đó. Những lúc ấy ông chì chiết mẹ bằng cái giọng rin rít trong cổ họng. Câu chuyện chắp vá không đầu không cuối. Giọng điệu buồn phiền ngủ quên giữa lè nhè rượu. Mẹ cặm cụi dọn dẹp nhà cửa, cặm cụi lau cổ lau chân lau tay và chườm khăn ấm trong khi cha mắt nhắm nghiền và miệng không ngớt nguyền rủa. Một đôi lần nào đó tôi chứng kiến cảnh ông co chân đạp mẹ quay đơ xuống giường. Bà lồm cồm bò dậy, tiếp tục lau người xoa đầu đắp mền cho ông. Những lúc ấy tôi giận mẹ ghê gớm.
Tác giả: Niê Thanh Mai
Giọng đọc: Vân An
Lời bình: Nhà văn Đỗ Bích Thúy
Minh họa: Họa sĩ Minh Minh
Thời lượng: 21p57g
“Chỉ còn ít ngày nữa là mình sẽ gặp mẹ anh ấy! Biết nói gì với mẹ đây? Thôi mình cứ nói đại rằng: Con là vợ chưa cưới của anh Út. Hòa bình chúng con sẽ về bên mẹ. Mình nói giọng Nam Bộ chắc mẹ và mọi người thương yêu mình lắm...!”.
Tác giả: Bùi Anh Đức
Giọng đọc: Xuân Khoa
Lời bình: Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam
Minh họa: Họa sĩ Thu Hà
Thời lượng: 15p34g
Tôi trở lại nhà và cuộn chăn nằm nhưng kỳ thực tôi không ngủ. Suốt đêm tôi nằm hướng về phía Châu. Anh ta trằn trọc mãi khiến tôi cơ hồ suy tưởng về anh ta, về con bé Amin và ông nội con bé. Tôi chợt ghét rừng, nó che đậy tầng tầng lớp lớp những thứ cây trút bỏ xuống. Và cả những con côn trùng, cả những sinh vật hút máu người không ghê. Quỷ thật! Tôi bắt đầu thấy hối hận khi bước chân đến đây để mang vác những câu chuyện buồn của rừng.
Tác giả: Hoàng Hải Lâm
Giọng đọc: Lâm Ngạn
Lời bình: Nhà thơ Hữu Việt
Minh họa: Họa sĩ Lý Việt Anh
Thời lượng: 23p08g
Hẳn phải có một âm mưu nào nhằm vào nhà mình, lúc đó bà nghĩ vậy. Không nhầm lẫn nào tận hai lần. Chắc chắn là người bên chồng, những kẻ ngoài mặt luôn tỏ ra không thiết tha nhưng bụng luôn thòm thèm gia sản mà chồng bà được thừa kế. “Ai xứng đáng với cơ ngơi này hơn người không lúc nào rời xa nó”, má chồng bà sinh thời từng nói và viết luôn vào di chúc. Chị em chồng bà giả bộ thở hắt ra như thể nhẹ cả người, “gánh cái nhà cổ lỗ sĩ này như cục nợ, ai mà ham”. Nói xong, cơ mặt họ dại đi một lúc. Sau này mỗi lần ghé qua, ngó bọn bà bận rộn lúc lau chùi đồ gỗ khi quét vôi lại lan can, họ lại cười mỉa, “thiệt không biết ai là chủ luôn, đồ đạc hay con người”, nhưng không quên xuýt xoa, “cái trường kỷ cẩm lai hơn trăm tuổi này giờ bạc tỷ, đâu có ít”.
Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư
Giọng đọc: Vân An
Lời bình: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Minh họa: Họa sĩ Đào Hải Phong
Thời lượng: 29p39g
Chưa năm nào hạn mặn xâm lấn dữ dội đến như vậy. Công ruộng của Bình đang rời rợi xanh, bỗng gục xuống héo úa èo uột đến xót lòng. Tiền phân bón, tiền giống còn chưa kịp trả, tất cả cứ cộng dồn lại và chỉ thấy những con số tăng lên. Bình thở dài, vợ thở dài. Ra vào trong căn nhà bé xíu, bề bộn, hai người tránh nhìn mặt nhau. Hồi đi công nhân ở Bình Dương về, hai vợ chồng được ba mẹ Bình cho hơn một công ruộng, họ cùng nhau quần quật cày cuốc, tích cóp từng đồng nhỏ nhất để hy vọng còn có cái lo cho con cái sau này. Ông trời thương, hai vụ đầu có lãi, Bình dựng được mấy cột bê-tông, quây vách tôn bốn phía. Vậy là thành căn nhà che mưa nắng cho hai vợ chồng son. Bình vẫn nhớ những ngày ấy, ngồi bên hiên nhà nhìn ra đám lục bình trôi trên sông, sao mà yên bình đến thế. Vậy mà giờ, hạn hán nứt toác cả cánh đồng, đám lục bình ngày nào còn ken kín cả mặt sông, giờ xác xơ trong nước mặn.
Tác giả: Đinh Thùy Hương
Giọng đọc: Xuân Khoa
Lời bình: Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam
Minh họa: Họa sĩ Phương Thanh
Thời lượng: 17p12g