Một khoảng trước hưu không lâu, không biết từ đâu phát lên tin đồn lão đang “nuôi” một em bồ nho nhỏ, xinh xinh. Tin đồn nổ ra từ nhà lão trước. Phát súng mở màn bằng một cái chén bay, va vào tấm bằng khen gia đình văn hóa. Cả hai thứ sau nửa giây chạm nhau đều rơi bể nát. Xác chén phân li cùng mớ miểng kiếng li ti, rơi ngay trước chân lão. Định thần sau tiếng va chạm chói tai, rồi ngó mớ hình hài của sự vỡ nát dưới chân, lão nghĩ: Theo phong thủy thì mớ miểng này mang một điềm gở, mà đời lão sắp phải lao đao.
Tác giả: Lê Quang Trạng
Giọng đọc: Xuân Khoa
Lời bình: Nhà văn Phong Điệp
Minh họa: Họa sĩ Minh Minh
Thời lượng: 18p11g
Cơn mưa chưa tạnh thì khách đã bỏ đi. Góc ván hở gần chỗ ông ta ngồi nhét một tờ giấy gấp đôi, gió lật qua lật lại để lộ ra phác thảo một người đàn bà đang mải mê giặt giũ. Mẹ nhìn bức vẽ, sửng sốt nhận ra sáng ấy mưa sao mà buồn, căn nhà mình ở sao mà ẩm thấp, cái hàng hiên mình vẫn đi ra đi vào mỗi ngày sao mà tróc lở. Tất cả những thứ quen thuộc hiển hiện lên dưới cái nhìn của một người xa lạ với vẻ tiều tụy đáng thương không cách gì xóa nổi. Chỉ duy nhất gương mặt đàn bà trong bức tranh dẫu chỉ thoáng qua vài nét dưới góc nhìn nghiêng vẫn toát lên vẻ đẹp lấp lánh. Mẹ chỉ kịp nói vọng qua cửa sổ với cha: Cơm rang trong bếp rồi, anh dậy ăn sáng trước đi. Em chạy ra đây hỏi người này một chút.
Tác giả: Trần Thị Tú Ngọc
Giọng đọc: Vân An
Lời bình: Nhà văn Võ Thị Xuân Hà
Minh họa: Họa sĩ Tuyết Nhung
Thời lượng: 17p10g
Trời lúc đó đã tối mịt. Lập lòe ít ngôi sao nhỏ trên không. Xung quanh, mọi ngả im lặng một vẻ bí mật và âm ỷ. Những chiến sĩ vô danh lục tục lên đường, đếm thầm từng bước, hẹn thầm với nhau bao tiếng nổ tan hồn lũ giặc cướp nước. Giặc sợ đêm tối đến ngần nào thì dân quân lợi dụng đêm tối được ngần ấy. Châu thành Sài-gòn không đèn đuốc, luôn mấy hôm không hôm nào là không bị nảy lửa từng chỗ, có nơi bỗng cháy rực lên như ban ngày, và khi bọn xâm lăng hoảng hốt trước ánh sáng bất ngờ như thế, thì quân du kích đã đánh phá rất nhiều rồi.
Trong xóm vừa kể trên, đàn ông đã rời đi gần hết. Họ tới những căn phố chưa phai vết máu. Chỉ còn những phụ nữ ở lại. Người đàn bà lúc nãy chạy mượn cờ, nay trở về trao cho năm anh cảm tử mấy lá cờ bằng vải. Lập tức, mỗi anh giắt lưng một lá, rồi ra đi nốt. Những cái bóng âm thầm ấy chìm vào quãng tối trong nháy mắt.
Tác giả: Thâm Tâm
Giọng đọc: Tiến Tú
Lời bình: Nhà thơ Hữu Việt
Minh họa: Họa sĩ Lê Anh Vân
Thời lượng: 27p04g
Chị tần ngần đứng trước ngôi nhà ấy. Cửa đóng khóa. Câm lặng. Những bông hoa chuối cố thiêu đốt những hơi thở cuối cùng.
Chị rơi vào hụt hẫng. Suốt cả chiều, chị tha thẩn quanh ngôi nhà mà vẫn không thấy bóng dáng người đàn ông đâu cả. Con phố vốn kiệm lời. Giờ càng lặng thầm hơn. Mọi cánh cổng đã khép. Đèn bật sáng. Chị hoang mang trong suy nghĩ của mình. Chị chôn chân ở đây để làm chi? Khi mà cánh cổng kia án ngữ bằng một lời từ chối. Chị chờ mong điều gì? Khi mà sương đêm đã trùm phủ làn tóc rối. Có cái gì nghèn nghẹn. Dâng lên một nỗi xót xa.
Tác giả: Nguyệt Chu
Giọng đọc: Ánh Nguyệt
Lời bình: Nhà văn Đỗ Bích Thúy
Minh họa: Họa sĩ Thu Hà
Thời lượng: 33p29g
Chị bỏ ra ba triệu bảy trăm nghìn đồng mua lọ nước hoa Chanel women xức cho thơm. Một ít thực phẩm chức năng vừa để uống, bôi lên da và dầu dưỡng tóc. Phải đi tút tát lại mái tóc, xăm cái chân mày, phun lại bờ môi. Chị nhìn mình trong gương. Làn da trắng, tóc nâu, môi đỏ... Trong thời gian tìm ra bằng chứng phạm tội của chồng, chị cần phải làm một người đàn bà đẹp. Đàn bà không thể không đẹp. Để xấu là coi thường mình, là phá sản hôn nhân. Chị lấy lọ nước hoa, bấm nhẹ nút, hương thơm bật ra. Lịch sự, trang nhã. Hương thơm của Chanel women mới lãng mạn làm sao. Con bé phụ làm tóc che miệng cười, chị phát hiện ra, lườm nó.
- Gì thế nhóc?
- Mấy bà sồn sồn hay đến tút tát ở đây, chồng toàn ngoại tình cả đấy.
Tác giả: Hoàng Hải Lâm
Giọng đọc: Vân An
Lời bình: Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam
Minh họa: Họa sĩ Lý Việt Anh
Thời lượng: 20p17g
Trong vùng rừng đơn vị của Vinh ém quân mọc rất nhiều cây hoa dành dành. Có những triền đồi chỉ nở bát ngát một mầu hoa trắng muốt, phả vào không gian mùi hương dìu dịu, một mùi hương đặc trưng không giống bất cứ một loài hoa nào.
Có lẽ mọi chuyện sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu đơn vị của Vinh ngày ấy không được cấp trên cử bổ sung về một nữ chiến sĩ cứu thương, và, người nữ cứu thương ấy ngay từ giây phút đầu tiên đã làm tâm hồn Vinh choáng váng như có tiếng sét từ trời cao đổ xuống.
Tác giả: Đào Nguyên Hải
Giọng đọc: Tiến Tú
Lời bình: Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam
Minh họa: Họa sĩ Lý Việt Anh
Thời lượng: 19p38g
Nhà ông Hai Nhứt nằm choi loi ở cuối ấp Cây Dứa, cạnh cây cầu chữ Y bắc qua ngã ba Chờ Đợi. Ông chỉ có một mình, không vợ con cho nên cái nhà của ông cũng nhỏ bé cô đơn như chính bản thân chủ nó vậy. Được cái là nền nhà rất cao ráo, tháng tám, tháng chín âm lịch nước nổi lêu bêu cũng không ngập được. Tuy nhiên thứ mà bọn trẻ thích là miếng vườn rộng phía sau nhà ông. Vườn nhà ông trồng đủ thứ cây. Mấy gốc xoài thơm, dăm cây mận da người, chục gốc nhãn da bò, còn có hai cây mít to ở đầu bờ, nơi ông giăng cái võng dù bạc mầu cũ kỹ nằm nghỉ mỗi buổi trưa. Đặc biệt, còn một khoảng đất rộng ông không trồng gì hết mà đắp cao ráo, nện chặt như nền nhà. Đây là nơi chiều chiều bọn trẻ tụ tập lại chơi nhảy dây, nhảy cò chẹp, đá bóng...
Tác giả: Quân Tấn
Giọng đọc: Xuân Khoa
Lời bình: Nhà thơ Hữu Việt
Minh họa: Họa sĩ Minh Minh
Thời lượng: 21p15g
Cả sườn núi cũng phải nín thở, lặng ngắt khi chiếc xe bò chở hai mẹ con người thiếu phụ lăn qua khu vực có những chiếc rãnh xẻ dọc và sâu quanh vách đá.
Dĩ nhiên kéo xe là một chú bò đực ức rộng và có bốn vó như vó ngựa. Buổi chiều chị đã cho nó ăn một bó cỏ mật để dành từ mùa đông năm ngoái (khi ấy chưa có chuyện gì xảy ra). Nó nhai chậm rãi. Nếu không hiểu tính nết nó, sẽ có thể hiểu nhầm nó kiếm cớ nấn ná để chiều tối không phải đi qua cái vùng rãnh đáng sợ trên vách núi cao. Chị đã nhẫn nại ngồi chờ nó trên bãi cỏ, ngắm mặt trời từ từ trôi về hướng hoàng hôn. Phía sau, cậu con trai mười tuổi nhai ngấu nghiến cái bánh mì kẹp ruốc, tranh thủ lúc con Rộng đang nhai cỏ.
Tác giả: Võ Thị Xuân Hà
Giọng đọc: Ánh Nguyệt
Lời bình: Nhà thơ Hữu Việt
Minh họa: Họa sĩ Minh Minh
Thời lượng: 23p42g