Ba mẹ tôi đẻ có hai đứa, chị Lài và tôi. Chị Lài đi lấy chồng rồi, tôi lủi thủi một mình suốt ngày. Cái hôm gương vỡ là ngày mà ba tôi thua kèo đá gà, con Xào bị đâm cựa ngang cổ giãy chết ngay trên sân. Trong cơn say khật khừng đi về, ba gọi mẹ đưa tiền. Mẹ tôi kêu trời, một lần nữa! Tôi rúm người ngồi trên giường hộp, thằng tôi trong gương cũng lặng im. Ở dưới bếp xáo động những âm thanh giòn. Lát sau ba bước ra nhà trước, mẹ tôi tóc rối xù đuổi theo giành giật mấy tờ tiền. Ngay khi tôi phóng xuống khỏi giường hộp, ba tôi kịp vung tay đấm vào tấm gương rồi bỏ đi. Mẹ tôi thì vẫn ngồi đó bất động mãi một lúc lâu, nhìn máu nhiễu đỏ loang trên những mảnh gương vỡ.
Tác giả: Võ Đăng Khoa
Giọng đọc: Xuân Khoa
Lời bình: Nhà văn Phong Điệp
Minh họa: Họa sĩ Lê Trí Dũng
Thời lượng: 22p22g
Bao ngày tháng đẹp đẽ tràn đầy nắng ấm cứ như thước phim quay chậm hiện dần ra trước mắt cô một cách rõ rệt. Lam và anh đã quen được nhau bao lâu rồi cô cũng không biết nữa. Những tưởng những năm tháng thanh xuân rực rỡ sẽ kết thúc bằng trái ngọt. Tâm là người hướng nội, anh không thích phố xá ồn ào. Anh chỉ mong sau này có một căn nhà nho nhỏ trong khu vườn đủ rộng để cô tha hồ trồng hoa và cây cảnh chứ không xô bồ bươn bả ra mặt đường “Mình làm công tác nghiên cứu, ở trong ngõ tí cho yên tĩnh”…
Rõ ràng, trong chuỗi hình ảnh ấy không có một điều gì dự báo cho cô về cuộc chia tay đang đến gần. Cô nhìn ra cửa sổ khu tập thể đã cũ lòng chợt buồn. Đến những cánh chim còn biết thảng thốt tìm chỗ trú trước khi nghe tiếng gió vặn mình mà sao một người tinh tế như cô lại không thể nào cảm nhận nổi những gì đang ngấm ngầm diễn ra trước mắt.
Ngôi nhà và những đứa trẻ… đó chỉ là giấc mơ… một giấc mơ ngắn ngủi sau câu nói có phần lạnh lùng.
Tác giả: Trần Quỳnh Nga
Giọng đọc: Vân An
Lời bình: Nhà văn Võ Thị Xuân Hà
Minh họa: Họa sĩ Minh Minh
Thời lượng: 34p24g
Mai ngồi lặng. Chưa bác sĩ nào hỏi cô câu tương tự. Mỗi lần đi khám, sau khi kể lể dông dài về những triệu chứng, về mức độ đau đớn, Mai luôn được bác sĩ gật đầu phán luôn những tên bệnh “đau nửa đầu”, “làm việc quá tải”, “mất ngủ thường xuyên”, “rối loạn nhịp sinh học”, “Nếu sử dụng máy vi tính nhiều thì giảm đi nhé, không tốt”.
Chưa hề có ai hỏi trước khi đau, cô bị thế nào, điều gì đã khiến cô đau.
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Huệ
Giọng đọc: Ánh Nguyệt
Lời bình: Nhà văn Phong Điệp
Minh họa: Họa sĩ Minh Minh
Thời lượng: 29p14g
Có những buổi chiều xanh thắm, mùa thu vàng lựng, chị ngồi tựa đầu vào vai anh. Dòng sông lững lờ thả những hạt phù sa về phía cuối nguồn. Trong bộ quân phục không quân, anh giơ tay chỉ về khoảng trời xanh ngút. Miền gió đấy. Anh sẽ bay vào khoảng trời ấy, thênh thang như cánh chim. Từ trên cao, ngắm nhìn quê hương, đẹp lắm, như dải lụa.
Chị ngẩng đầu lên. Thấy nụ cười trong mắt anh. Rồi tự nhiên, chợt buồn. Anh bay trên ấy, cao xa quá, em làm sao thấy được. Chỉ muốn anh bay như những cánh chuồn.
Anh bật cười. Cánh chuồn? Mỏng manh thế thôi sao? Mỏng manh thế, với em cũng là quá đủ. Hãy bay cao vừa đủ để lúc nào em cũng có thể theo dấu tìm anh.
Tác giả: Nguyệt Chu
Giọng đọc: Ánh Nguyệt
Lời bình: Nhà thơ Hữu Việt
Minh họa: Họa sĩ Nguyễn Đăng Phú
Thời lượng: 37p04g
Chú Tài nhập ngũ vào ngày đầu tháng mười, năm một ngàn chín trăm sáu mươi tám cùng với ba người bạn cùng làng. Nhưng đằng đẵng ba năm sau ngày đi không có tin thư gì gửi về. Có lời đồn chú đã chết trong một trận bom địch đánh trúng đội hình đơn vị ở phía bắc Kon Tum. Tin dữ về đến bản, lọt vào tai mé chú. Ngày ngày mé ra ngồi bên cầu thang, nhìn về phương Nam buồn bã trông ngóng. Chị Đàn thỉnh thoảng mới qua thăm mé. Tục lệ người Tày ở đây là vậy. Khi nào có con, dâu mới về ở hẳn nhà chồng. Từ lúc nghe tin dữ Đàn cũng đứng ngồi không yên. Bên nhau chẳng được mấy ngày nhưng đã hóa hòn than trong lòng. Biết Tài có còn trở về? Có lửa mới sinh khói, không dưng thiên hạ đồn. Buồn nhớ nặng cả chân tay. Bạn gái rủ đi hát sly, hát lượn Đàn lẳng lặng theo cùng. Đi cho vợi lo buồn. Lượn hoa tình cũng giúp lòng khuây khỏa. “Hai ta không ở cùng làng, khi nghe anh lượn muốn sang theo về”. Là hát thế thôi chứ có tình ý ong ve gì với ai. Nhưng đâu có được như nghĩ lúc đầu, là chỉ để bớt cô đơn phiền muộn, nào ngờ động lòng trộm nhớ người dưng...
Tác giả: Cao Duy Sơn
Giọng đọc: Tiến Tú
Lời bình: Nhà văn Đỗ Bích Thúy
Minh họa: Họa sĩ Đào Công Huân
Thời lượng: 38p33g
Bà chấm mắt ghe đúng giờ hoàng đạo bày mười hai cây cọ ra rồi khấn thần sông rửa cọ. Cọ được nhúng xuống dòng Cái Rơn cho ngậm nước nở lông. Đoạn bà pha màu rồi bắt đầu những nét vẽ. Mắt ghe dần hiện lên. Viền mắt xanh đậm. Lòng mắt đỏ au. Chấm mắt đen tuyền. Mười hai nét vẽ là ra một con mắt. Dù đã bảy mươi tuổi nhưng đôi tay bà vẫn lả lướt. Hai cặp mắt ghe xong là tới phần điểm nhãn cho ghe thuận nước mà tới. Trong khói hương trầm bay bổng. Câu khấn lầm rầm chẳng ai nghe thấy. Nhưng nét mặt ai cũng nghiêm trang thành kính. Nhưng, lời khấn của bà chấm mắt ghe có khi như hát, có lúc như khóc. Thiên hạ nói khắp Cửu Long mỗi ghe của bả chấm mắt là sau bài khấn nhìn lại mắt ghe bỗng như mắt người. Lung linh. Sinh động. Ghe cũng có hồn. Hồn ghe như hồn người.
Tác giả: Tống Phước Bảo
Giọng đọc: Xuân Khoa
Lời bình: Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam
Minh họa: Họa sĩ Văn Nguyễn
Thời lượng: 18p59g
Tôi yêu biển. Sinh cũng thế. Chúng tôi sinh ra và lớn lên cùng những con sóng. Biển là bạn và cũng là nguồn sống của những ngư dân. Những người trong làng vẫn hay kể cho nhau nghe về mỗi chuyến đi. Nhưng có lẽ chuyến đi mà cả đời này họ không thể nào quên đó là những chuyến đi biển cách đây gần ba mươi năm. Ông nội Sinh là người đi biển dày dặn kinh nghiệm nhất trong làng. Ông đã cùng với những người đàn ông của làng vượt sóng chở lương thực, tiếp tế cho bộ đội trong cuộc chiến giữ đảo. Tàu ông bị bắn cháy cùng những người lính trong một trận chiến khi các anh kiên quyết giữ đảo. Trên con tàu mang số hiệu HQ… có cả người con trai duy nhất của ông. Tất cả họ hy sinh. Họ mãi mãi nằm lại với biển trời Tổ quốc, ở nơi rất xa.
Tác giả: Dương Giao Linh
Giọng đọc: Vân An
Lời bình: Nhà văn Phong Điệp
Minh họa: Họa sĩ Minh Minh
Thời lượng: 31p09g
Đến tận giờ, khi đã thành hai người tóc bạc, ba vẫn không trả lời mẹ. Ngày nhỏ, anh từng trách ba làm mẹ khổ, để mẹ sống trong nơm nớp, nghi ngờ. Càng lớn, anh nhận ra không phải ai cũng hiểu, cũng say đắm với những cuộc đi, nhất là phụ nữ. Họ giống những gốc cây lớn, ngại xê dịch, ưa cảm giác an toàn, thích trói buộc. Nên anh cũng im lặng, khi vợ trách sao nghỉ việc công ty cũ, vợ khóc lên khóc xuống mỗi lần việc làm ăn vào ngõ cụt. Kể cả lúc vợ mặt mày tái ngắt chìa ra trước anh hợp đồng vay ngân hàng chục tỷ và sau cùng là lá đơn li dị, anh nhớ, cũng đã không nói một câu nào. Hương vị tuyệt vời từ những cuộc hành trình, hưng phấn run rẩy của mạo hiểm là những thứ vợ (và mẹ anh nữa) mãi sẽ chẳng nếm được.
Tác giả: Nguyễn Thị Kim Hòa
Giọng đọc: Xuân Khoa
Lời bình: Nhà thơ Hữu Việt
Minh họa: Họa sĩ Minh Minh
Thời lượng: 29p21g