Không khí xóm làng chợ búa lặng trang. Nhưng trong mỗi căn nhà mái lá, mỗi nhà ngói đỏ au bên chợ, bà con gói bánh tét, kho thịt, hầm canh trái hủ qua,và nhiều việc khác đón Tết. Với con nít thì Tết cũng vui, mà chưa Tết cũng hơi vui vui khi cái gánh hát của cha con ông bầu Tèo về làng.
Mờ sáng hôm sau, tiếng gà gáy ò ó o mấy đứa con nít còn ngủ vùi. Khi đó, những ánh đèn dầu dừa leo lét của phiên chợ sớm cuối năm, nhòe đi trong ánh mặt trời rực rỡ. Thì tụi con nít choàng người thức giấc. Ăn xôi ăn bắp, ăn khoai luộc khoai nướng xong lại hè nhau phụ với ghe hát bầu Tèo làm sân khấu, treo phông màn, tới trưa thì bao nhà lồng chợ lại bằng phên tre, vải bố. Mượn bộ ván làm sân khấu còn phải mượn ghế cho khán giả ngồi. Nhà lồng chợ biến thành cái rạp hát rực rỡ màu sắc, sẽ giúp vui trong vài ba ngày Tết
Tác giả: Mạc Can
Giọng đọc: Xuân Khoa
Lời bình: Nhà thơ Hữu Việt
Minh họa: Họa sĩ Lê Thiết Cương
Thời lượng: 22p37g
Mẹ chồng San thường bảo, mẹ coi con như con gái. Lúc đầu, San rất xúc động vì điều này. San nhìn vào đôi mắt bà một cách ngoan hiền và đầy vẻ biết ơn. Nhưng rồi, cái cảm giác đó ngày một vơi đi khi câu nói ấy xuất hiện với một tần suất dày đặc. Từ đầu đến cuối khu phố, từ người già đến người trẻ, từ đàn ông tới đàn bà ai cũng biết, mẹ chồng San coi cô như con gái. Thế là, hễ ló mặt ra đường, lúc nào San cũng nghe thấy những lời xuýt xoa, đại loại như sướng nhé, nhất mày, xem ai được như mày không, khối đứa mơ cũng chả được.Như kiểu thiên hạ muốn nhảy xổ vào vị trí của cô ngay lập tức...
Tác giả: Nguyệt Chu
Giọng đọc: Vân An
Lời bình: Nhà văn Phong Điệp
Minh họa: Họa sĩ Thu Hà
Thời lượng: 19p52g
Cụ cố Oanh chợt cao hứng đòi đi xem chợ Tết. Chợ Phủ - cái chợ lớn nhất trong hàng huyện cách nhà những hơn ba cây số. Ba cây số, với đám thanh niên thì chỉ mất mười lăm phút đạp xe hay một cua xe gắn máy. Còn với người già đã ngoại cửu tuần như cụ cố Oanh nào có dễ dàng gì. Ðiều đó khiến đại tá Yến lo lắm. Chẳng lẽ cái ước muốn nhỏ nhất của cha lại không được thực hiện. Nào ai biết cha ông còn sống thêm được bao nhiêu xuân nữa. Ông quyết định họp đại gia đình, có đủ mặt các chú, các cô, các cháu bàn bạc. Ông Yến nói như ra lệnh rằng, mọi người chỉ được phép bàn cách thực hiện ý muốn của cha, chứ không được bàn lùi. Ðám thanh niên hăng hái bảo để chúng con chở cụ cố đi bằng xe Dream êm lắm. Lập tức các bà, các ông giãy nảy lên: "Chợ ngày Tết, đông như hội, chúng mày va quệt vào người ta, rồi hất cụ xuống đường thì chết!". Bấy giờ, cụ cố bà bảo: "Có dễ đến hai chục năm nay, tao cũng chưa đi chợ Tết. Chúng bay cứ lấy cái xe cải tiến bánh hơi, vừa an toàn, vừa êm ra trò. Tao cũng cùng đi với cụ ông".
Tác giả: Dương Duy Ngữ
Giọng đọc: Lâm Ngạn
Lời bình: Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam
Minh họa: Họa sĩ Minh Minh
Thời lượng: 21p44g
Miên dém chăn, thò cả bàn chân trần lạnh cóng áp chặt vào bắp vẻ gầy trơ xương nhưng rất ấm của mẹ, thủ thỉ: - Cả năm con cố gắng để mơ một đêm về ôm mẹ thế này!
Miên rúc vào ngực mẹ, nghe rõ tiếng mưa tí tách trên những tàn lá cọ ngoài vườn. Mẹ vỗ vỗ vào lưng Miên. Bàn tay gầy với những nốt chai nổi rõ trong lòng bàn tay xoa xoa bờ vai Miên, dịu dàng: - Mẹ biết dịp này thế nào con cũng về!
Miên nghe lòng nẩy lên một nhịp. Lâu lắm rồi cô mới sắp xếp được để về quê đúng vào dịp chợ Tru (trâu), phiên chợ nhằm vào ngày mười chín âm lịch hằng năm. Tuổi thơ của chị em Miên, bạn bè Miên được gói ghém kĩ càng trong phiên chợ đặc biệt này. Miên vòng tay ôm lấy mẹ, lòng cô rưng rưng nhiều cảm xúc.
Tác giả: Tống Phú Sa
Giọng đọc: Ánh Nguyệt
Lời bình: Nhà văn Đỗ Bích Thúy
Minh họa: Họa sĩ Minh Minh
Thời lượng: 18p23g
Bữa Hậu xách ba-lô về quê gặp lúc vợ chồng Tình đang lúi húi cọ rửa ghe cá đã nhiều tháng nằm im sau nhà, cúng kiếng "bà Cậu" phù hộ cho một chuyến dong ghe ra "ăn cá" mùa nước tràn đồng được suôn sẻ. Nhiều năm rời quê, Hậu vẫn không sao quên được cái không khí chộn rộn của bà con xứ mình mùa nước nổi. Cái mùa lênh láng khắc nghiệt trong mắt những người xứ khác, chứ thiệt ra là mùa "ăn nên làm ra" của xứ này.
Tác giả: Trần Huyền Trang
Giọng đọc: Xuân Khoa
Lời bình: Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam
Minh họa: Họa sĩ Thu Hà
Thời lượng: 16p29g
Bữa giữa trưa nắng Út chạy về, má hồng rực ôm eo ngoại tỉ tê: "Tối con dẫn ngoại lên coi cải lương nha. Có anh kia hát hay lắm". Ngoại toát mồ hôi lạnh. Xoáy vào tai ngoại, âm thanh đang cười, đắc thắng. Cuồng cuồng, ngoại giữ Út bằng ngăn cấm, đe dọa và những cán chổi quật. Rất nhanh sau đó, ngoại biết mình sai lầm. Cản ngăn chỉ khiến tai Út thêm lơ đễnh, không nghe tiếng ngoại. Những nhát chổi quất lại càng đốt mắt Út long lanh, chín mọng.
Chạm phải ánh mắt chín. Ngoại rùng mình sợ. Ánh mắt rụng. Chắc chắn ngoại sẽ mất Út. Mẹ ngoại đã từng mất ngoại và ngoại đánh mất con gái mình chẳng phải chỉ vì một ánh mắt thế sao! Ngoại không muốn! Mỗi tối, khi tiếng đờn ma quỷ bắt đầu dạo lên từ trên đê, khi cháu gái ngoại bắt đầu làm bộ vơ vẩn thể dục trước cửa, trong mùng ngoại cố tình ngáy thiệt to. Chân Út Lớn hối hả khua hẻm nhỏ, khua luôn lòng ngoại một cơn đau. Ráng nhắm mắt, ngoại nghĩ về sáng mai.
Tác giả: Nguyễn Thị Kim Hòa
Giọng đọc: Vân An
Lời bình: Nhà văn Võ Thị Xuân Hà
Minh họa: Họa sĩ Tuyết Nhung
Thời lượng: 24p58g
Lúc này đầu óc đã bình thản, nghĩ lại câu nói quá vô ý của mình hồi sáng ông thấy ân hận vô cùng. Vợ chồng sống với nhau năm chục năm chưa bao giờ ông phạm phải cái tội tày đình đến vậy. Chả lẽ cái sự lão hóa của tuổi già nó làm ông đổ đốn ra như vậy hay sao? Nhớ lại đôi mắt mở to kinh ngạc và gương mặt tái đi của vợ, ông thấy mình không thể tha thứ được. Ông thở dài đánh thượt. Chao ôi! Ngày xưa bà ấy đẹp nhất làng. Bà bằng lòng lấy ông không phải vì ông đẹp trai, cũng không phải vì ông có cái bằng trung cấp nông nghiệp. Ngày ấy cái bằng trung cấp cũng oai như cái bằng đại học, à mà không, có khi còn tương đương với bằng tiến sĩ bây giờ ấy chứ. Bà quyết định làm vợ ông, theo như bà nói là chỉ vì ông có giọng nói dễ nghe. Bà bảo người có giọng nói dễ nghe chính là người yêu chiều vợ con đến hết đời. Tưởng bà nói là để lấy lòng ông thuở mới yêu nhau, hóa ra đúng khít khịt. Quả là sống với nhau tới nửa thế kỷ, ông chưa hề có một lời nói nặng với bà.
Tác giả: Hồ Thủy Giang
Giọng đọc: Lâm Ngạn
Lời bình: Nhà thơ Hữu Việt
Minh họa: Họa sĩ Lý Việt Anh
Thời lượng: 19p53g
Từ lúc lớn lên chưa bao giờ Nhi thấy mẹ cãi lại bà một tiếng... Mẹ về làm dâu hai năm không chửa, đẻ. Bà nội giục bố đi lấy vợ khác. Mẹ lặng thinh bỏ về nhà. Bố sang đón mẹ, vài tháng sau mẹ sinh Nhi. Ngày mẹ sinh, bà vào trong buồng nhòm rồi lặng lẽ ra hiên ngồi bất động. Bà ốm một tuần, miệng không nói cũng chẳng nhai chầu.
Nhi lớn lên nhờ đôi tay bà, quen với mùi hôi ngai ngái nơi ngực bà, ngậm vú bà say ngủ. Bà ẵm Nhi cho mẹ ra đồng, cho Nhi ăn, tắm, kể cho Nhi nghe những câu chuyện của bà. Bà thương Nhi thế, sao bà lại vu vạ cho mẹ? Làm sao mẹ sống được với tai tiếng ấy?
Tác giả: Dương Giao Linh
Giọng đọc: Ánh Nguyệt
Lời bình: Nhà thơ Hữu Việt
Minh họa: Họa sĩ Lý Việt Anh
Thời lượng: 29p51g