Nhiều lần, thức dậy nửa đêm, nhận ra mình chìm lỉm giữa màn tối không đèn, Mai bỗng nghe câu hát chạy về trong đầu. Chạy về lần một, giữa hanh hao đêm hè có hơi gió mát. Về thêm lần nữa, mũi Mai bắt được hơi nước. Không phải mùi từ vũng nước sót phảng phất hôi phân bò cách nhà cả chục cây số. Hơi nước này có mùi mưa, mùi những mạch ngầm chực bục ra, thấm ướt rồi đầy ắp những khoảng khô nứt của đáy hồ. Không dám cựa mình trên giường, trong dư âm câu hát, Mai như nghe râm ran khắp lòng hồ tiếng những mầm cỏ xanh tách đất. Cả tiếng mấy con dê Mai nuôi rậm rực ôm lưng nhau bên chái nhà.
Tác giả: Nguyễn Thị Kim Hòa
Giọng đọc: Vân An
Lời bình: Nhà văn Võ Thị Xuân Hà
Minh họa: Họa sĩ Tuyết Nhung
Thời lượng: 21p06g
Giữa hai đầu khu nhà có một cái sân gạch đỏ, nhiều viên đã lõm nhẵn xuống, một cái bể to tướng nửa nổi, nửa chìm, mái khum khum. Góc sân có một bụi hồng bạch ra hoa quanh năm, thơm rượi. Góc kia, sát bức tường lửng là cây mít tơ cho lá để chúng tôi làm đồ hàng. Đây là thế giới của tôi. Một ngày không ra hồ nước, không ra gốc hồng là không sao chịu nổi. Tôi nhớ từng bông hoa, đếm từng cái nụ, mê từng cái lá xanh sẫm, bóng mờ, gợn hàng răng cưa li ti. Những năm tháng ấy chẳng ai quan tâm đến hoa bởi còn phải lo chưa đến kỳ đong gạo sổ mà thùng gạo ở nhà đã hết, phiếu thịt kỳ này không có mỡ bán kèm, đậu phụ nhiều sạn, cửa hàng đang có vải bán cho phiếu 5m... Không ai có ý định cắt hoa về cắm trong nhà nên hoa cứ thản nhiên nở rồi tự tàn. Và vì thế những trang sách yêu quý của tôi có nơi để đáp xuống. Này thì hoàng tử, này thì công chúa, những chiếc xe tứ mã, những chiếc tổ quạ và những bông kỵ phù lam rực rỡ.
Tác giả: Thùy Dương
Giọng đọc: Ánh Nguyệt
Lời bình: Nhà văn Đỗ Bích Thúy
Minh họa: Họa sĩ Phương Thanh
Thời lượng: 35p02g
Mùa thu đã trở về. Hằng đêm, gió từ hồ Nguyệt đưa hơi thu luồn vào khe cửa các ngôi nhà hướng ra mặt hồ. Từ buổi sáng đầu tiên của mùa thu, khi cơn gió heo may vừa làm những bông ti gôn bên ngoài cửa sổ chao nhẹ, thì một luồng lành lạnh chạy dọc sống lưng người họa sĩ già, làm ông khẽ rùng mình. Còn vợ ông đã quên thả mấy bông nhài vào trong ấm chè. Món cốm xanh của bà Hạnh, láng giềng thân thiết của bà, mang cho thì không thể uống cùng chè vị suông… Đêm ấy, đến tận mười một giờ khuya, khi ông đã ngủ, bà vẫn không tài nào chợp mắt được. Nỗi nhớ cứ cuộn lên trong bà. Những đồi hoa cúc dại. Chấp chới trắng. Miên man trắng.
Tác giả: Nguyễn Phú
Giọng đọc: Xuân Khoa
Lời bình: Nhà văn Võ Thị Xuân Hà
Minh họa: Họa sĩ Tuyết Nhung
Thời lượng: 20p19g
Đang nghĩ tiến nghĩ lùi thì vợ Vừng cõng con về đứng lù lù trong sân. Tay dắt đứa lớn, lưng đeo đứa bé, trước ngực lủng lẳng hai quả bí ngô buộc dây rừng vắt qua cổ. Hai tay hai cái rọ. Một rọ đựng con lợn con, mõm nhọn hoắt, lông đen nhánh, to hơn cái bắp chuối rừng tí. Một rọ là bốn con gà con, cũng đen nhủi như mấy con cuốc. Vừng đang nhướng mắt lên nhìn thì nó quát. Ngu thế! Không biết đường đỡ con xuống à. Vừng cằn nhằn. Thế mày không biết đường đặt hai cái rọ xuống à? Vợ Vừng vênh mặt lên. Đặt thế nào được. Phải cắm hướng chuồng đã rồi mới đặt xuống, thì mới nuôi được chứ.
Tác giả: Tống Ngọc Hân
Giọng đọc: Tiến Tú
Lời bình: Nhà văn Phong Điệp
Minh họa: Họa sĩ Minh Minh
Thời lượng: 19p20g
Tôi bước vào sân, thấy mẹ đang ngồi lơ đãng trước gốc đào nở muộn. Xuân vẫn như nguyên vẹn bao quanh mẹ mà xa kia, những chùm hoa xoan tím đã bắt đầu đơm bông. Tôi bảo, hội làng mình lần này có gánh hát về mẹ ạ. Mẹ giật mình, ngước lên, rồi ngỡ ngàng hỏi lại, giọng trầm đục, run run. Có lẽ, quá khứ chợt hiện về từ xa xăm. Rồi mẹ nói với tôi mà như tự nói với chính mình: "Biết bao nhiêu năm rồi lại mới có gánh hát về làng". Lời mẹ như chất chứa bao nhiêu ngậm ngùi, tiếc nuối.
Tác giả: Chu Thị Thu Hằng
Giọng đọc: Ánh Nguyệt
Lời bình: Nhà văn Phong Điệp
Minh họa: Họa sĩ Thu Hà
Thời lượng: 18p54g
Thằng bé chỉ cao hơn bắp vế của tôi một chút, đen sạm và già dặn như ông cụ non. Nó gần như kéo lê con gà chưa đầy hai cân về lô vặt lông gà của bố dượng. Nó nói: - Cô không được mang hộ cháu. Dượng cháu bảo khách hàng là thượng đế. Ở đây cũng cạnh tranh ghê lắm cô ạ. Hồi đầu chưa phân chia chỗ lấy khách, cháu phải giành giật, chạy tới chạy lui. Nhiều bữa, mấy dì tranh hết, dượng không có hàng làm, đánh mẹ cháu dữ lắm. Mà thôi, dượng cháu bảo không được làm phiền khách, cháu cảm ơn cô đã tin dùng sản phẩm vặt lông gà của lô số ba nhà cháu.
Tác giả: Tống Phú Sa
Giọng đọc: Vân An
Lời bình: Nhà văn Võ Thị Xuân Hà
Minh họa: Họa sĩ Thu Hà
Thời lượng: 18p34g
Ðó là khoảng thời gian gió chướng về, cây mận trước nhà lại xào xạc. Những đêm như vậy, bà nội lại khó ngủ. Bà nằm trằn trọc, có khi ngồi dậy, mở cái đèn cà na (hình trái ớt) trước hiên nhà. Bắc cái ghế nhỏ, bà nội ra đó ngồi rồi ngó bâng quơ về phía cây mận trước sân. Xa xa nữa là con sông, nơi những ngọn đèn câu cứ hiu hắt mãi. Nơi năm xưa bà chèo xuồng đưa ông qua sông vào căn cứ, nơi bác Hai xuống tàu đò ra bắc bảo vệ biên cương. Và bến sông trong lòng bà nội bao giờ cũng mang mầu sắc của sự hiu hắt và đau đáu về một niềm tin đang nằm sâu ở đâu đó, phương xa.
Tác giả: Huy Quang
Giọng đọc: Xuân Khoa
Lời bình: Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam
Minh họa: Họa sĩ Tuyết Nhung
Thời lượng: 16p31g
Tuồng xem lại bức hình trong điện thoại, loại phong lan rừng cành lá xum xuê, mầu xanh chảy như ngọc. Tới mùa, lá thu mình vào trong để cho những chuỗi hoa tím thi nhau phơn lên giữa trời xanh và nắng vàng. Không biết bây giờ cành hoa thế nào, Tuồng thắc thỏm. Hồi bố lấy nó từ rừng về nuôi 5 năm, cây phủ nguyên cái lủa to bằng bắp chân, giờ thêm mười năm, tuổi hoa gần bằng tuổi Tuồng, chắc nó sẽ to khủng khiếp. Tuồng chỉ nghĩ đến như thế, bởi sức sống của loài hoa này rất mãnh liệt, dù nắng nóng hay mưa dầm thì cành lá vẫn xanh tươi, mỗi năm cho trăm chuỗi hoa nổi tiếng cả một vùng.
Tác giả: Hoàng Hải Lâm
Giọng đọc: Tiến Tú
Lời bình: Nhà văn Võ Thị Xuân Hà
Minh họa: Họa sĩ Nguyễn Minh
Thời lượng: 20p18g